Đáng lẽ ra mình viết bài này để post lên ngày 20-11, ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam nhưng lại có việc đang làm Sài Gòn nên tạm gác lại. Khi mình ở nước ngoài, chừng 20-11 là đợi anh em lo săn sale, hỏi kế hoạch Lễ Tạ ơn (Thanksgiving) làm gì, kế hoạch săn đồ điện tử vào ngày BlackFriday là gì, thậm chí còn có ngày Monday Cyberday nữa.
Về Việt Nam thì những đợt cuối tháng 10 là ngày Phụ nữ Việt Nam, rồi ngày Hiến chương nhà giáo. Rong dài thế, chuyện học thế nào, hay cụ thể hơn là làm sao để học hiệu quả là chủ đề nên được cung cấp cho học sinh cấp 2, cấp 3, đại học, cao học. Mười támnăm ngồi mòn cả đít trên các giảng đường, từ trường làng, đến trường huyện, trường trung ương, chưa bao giờ mình nghĩ về học thế nào hay được biết thông tin làm thế nào để học, để tư duy, mà chủ yếu là học, nhớ bài để được điểm cao.
Đến năm thứ 2 sau đại học, mình được đặt vào diện “Thử thách” do có điểm tổng một kỳ là 2.67 (học 3 môn, 2 Bs, một B-), thế là giáo sư hướng dẫn bảo: “learn smarter, not harder”. Cái khổ của kẻ học chăm mà vẫn dốt là không biết thế nào “smarter” cả nên cuối cùng cách thông minh vẫn là cần cù bù thông minh. Cách làm thực tế nhất cho kỳ ngay sau đó là thay vì học 3 môn thì học 2 môn một kỳ thôi và tìm hiểu kỹ cách chấm điểm của từng thầy cô. Ngay tuần đầu tiên, học sinh đại học và sau đại học ở Mỹ được học ‘thử’ và tham khảo, nếu không thích có thể không học nữa. Với sinh viên sau đại học thì lựa chọn này không phổ biến vì trước sau gì cũng phải học những môn liên quan đến nghiên cứu, mình không tự đăng ký thì cũng đến lúc được thầy/cô hướng dẫn gợi ý nên học.
Cách học của mình từ nhỏ đến lớp 12 vẫn là cần cù bù thông minh, có công mài sắt, có ngày đứt tay (do mài tay vào đá mài). Dù học khối A, môn Toán vẫn dở tệ, khả năng suy nghĩ trừu tượng kiểu Toán vẫn không khá lên được. Môn Toán theo một cách nào đó, vẫn cần khả năng tư duy tốt, khả năng suy nghĩ bằng cách tách tên gọi có tính thực tế với những phép toán không liên quan đến thực tế. Môn Hóa và Lý mình khá hơn vì khả năng chịu khó học và khả năng nhớ của mình không tệ.
Lên đại học, các môn cơ bản vẫn tệ như cũ, thậm chí chưa bao giờ mình nghĩ mình sẽ kiếm được học bổng từ trường Bách Khoa. Suy nghĩ ngắn hạn là nhiều người ghét môn kiểu học thuộc và Triết học, thôi thì mình cần cù cố gắng điểm cao môn học thuộc, và không bị điểm thấp mấy môn tư duy. May mắn là mình chọn ngành không nhiều sát thủ, thế là vẫn ra trường đang hoàng top 10, cộng với 3-4 kỳ học bổng gì đó.
Lại rong dài, thế thì mình đã thay đổi cách học thế nào. Thực ra phần trình bày ở trên cũng đã có một số chiến thuật học như cần cù bù thông minh, học không trúng thì trật, học thứ mình có thế mạnh và chịu khó dù nó không đúng với ngành nghề lắm. Nghe rất bi đát.
Theo Udacity.com, một trong những nền tảng hàng đầu về học online về lập trình và công nghệ số, có 5 chiến thuật để học:
Space your learning: học đều đặn và dàn đều
Write notes, don’t type note: viết lại nội dung, không nên chỉ tgõ lại
Recall, don’t you read your notes: đọc nhẩm, không nên chỉ đọc tlại nội dung
Connect concepts: kết nối khái niệm
Mistakes tare learning opportunities: học từ cái sai/ chưa đúng
Lại nhớ thời học Bách Khoa 2002-2007, mỗi kỳ thường có 5 tháng và nội dung dạy và học trên giảng đường khoảng non 4 tháng. Nhiệm vụ trong 4 tháng này là có mặt đầy đủ để điểm danh, ngoan hơn nữa thì lên lớp ghi bài đầu đủ, làm thí nghiệm, một số bài kiểm tra để đủ điều kiện thi. Nếu không chép bài thì cuối kỳ trước khi thi tìm bạn nào viết cẩn thận và đầy đủ để photo lại vở. Trong lớp mình có 3 nhân vật là 3H viết đẹp và cẩn thận, luôn được các bạn khác tin cậy mượn vở photo. Hơn 1 tháng còn lại cuối kỳ là thời gian ôn để thi, cụ thể mỗi món có khoảng 3-7 ngày để ôn. Sinh viên chăm chỉ sẽ hỏi nhưng câu như “giảng đường không”, “C2”, “thư viện” vì đó là những địa điểm anh em lên ngồi học thuộc lòng nội dung của mỗi môn. Sau 3 năm đầu, mình học thêm là quán photo ở giảng đường D5, D4 có bán photo tài liệu đề thi các năm trước. Muốn qua các lớp đại cương dễ nhất thì nên kết hợp ngồi giảng đường, và xem kỹ nội dung đề thi năm trước.
Thế nhưng nếu áp dụng 5 nguyên tắc ở trên để học Bách Khoa, hiệu quả cũng chưa biết thế nào. Bốn tháng đầu anh em học tương đối nhẹ nhàng, hầu hết là chép bài, nếu có ngủ trong lớp thì cũng để ý thầy nào khó tính và có thầy không quan tâm, cũng có cố rất tận tình dạy sinh viên kiến thức sâu về những nhóm vi sinh vật trong bùn nước thải, hoặc nhóm hóa chất trong độc học, thẳng tay cho anh em thi lại, học lại như thường.
Mình phải ghi chú là bây giờ Bách Khoa đã chuyển sang học theo tín chỉ, và cách học hiện nay mình cũng không nắm rõ nên phần miêu tả trên này chỉ đúng cho thời gian và lớp mình học.
Thế mới đến đoạn là không phải áp dụng công thức Mỹ là ngon với tình hình ở Việt Nam. Vào học kỳ mới ở Mỹ, trừ tuần đầu tiên, các tuần sau đều có “assignments” từ bài tập về nhà, bài luận, bài đọc trước. Sinh viên sau đại học cày 2-3 môn (mỗi môn khoảng 3-4 credits, mỗi credit là 55 phút mỗi tuần) mà vẫn chạy deadline. Thế là dù không biết là nên học “spacing” thì cũng được các giáo cho spacing đều cả kỳ. Thêm nữa, tùy mỗi môn, thường sẽ có 5-6 bài kiểm tra, bài tập chấm điểm các kiểu trong 13 tuần học. Kiểm tra cuối kỳ “final” sẽ chiếm khoảng 30-60% tổng số điểm.
Vì phải viết bằng tiếng Anh nên không thể học vẹt được (nghĩa là học thuộc rồi nhắc lại), nên anh em “international” vừa được học tiếng Anh, vừa được học khái niệm của từ đó, vừa được học kết nối kiết thức kỹ thuật + khái niệm + giải thích bằng tiếng Anh. Kết nối khái niệm là đây.
Chuyện học từ cái sai nghe thì hay nhưng áp dụng không dễ. Ở Mỹ, sau khi làm sai, sinh viên có thể hỏi thầy giải thích, hoặc lên gặp trợ giảng (teaching assistant) để giải thích thêm. Vì thời gian học và làm bài tập trong kỳ thường xuyên, nên sinh viên biết minh đang yếu chỗ nào, tự chủ động gặp trợ giảng hoặc giáo để hỏi thêm. Khi hỏi cái sai, sinh viên được trả lời tận tình, không có kiểu bị đánh gía. Còn nếu giải thích 1-2 mà vẫn hỏi kiểu thắc mắc thì thường được cho mấy trang sách về đọc thêm rồi có gì không hiểu rồi hỏi thêm sau.
Cái học từ chỗ sai cần phải có một thứ đảm bảo rất quan trọng, đó là trân trọng người hiếu học, và sẵn sàng học từ cái sai. Cho nên học từ cái sai là cái không khó, cái khó là môi trường hỗ trợ người học học phần mình sai, tuyên dương tính dũng cảm khi nhận ra cái sai để sửa.
Năm nguyên tắc trên thực ra là đơn giản khi nói nhưng không hề đơn giản khi thực hiện. Cái không nói ở trên là thói quen học và tuân thủ “kỷ luật học thuật” (Academic Integrity). Sau tuần đầu tiên, giáo sẽ phát cho thời khóa biểu, tài liệu tham khảo, các khoản tính điểm, và cái điểm nên tránh để không vướng vào kỷ luật. Trong lab của mình, mình và bạn L hay học cùng lớp, khi bài tập về nhà, hai người chỉ kiểu như “mày làm xong chưa?”, “mày có muốn so sánh kết quả bài a,b,c không?”. Khi so sánh hai đứa đọc kết quả có giông nhau nhưng tuyệt nhiên không cầm phần đã làm để so sánh. Tuân thủ kỷ luật học thuật là đây. Ở Mỹ, ai mang tiếng cheating trong học hành là rất bị tệ. Xã hội người ta chạy theo hệ thống credit là như thế.
Sau khi học các lớp “cứng” cho chương trình của mình, mình cũng hay lân la học các lớp trên mạng, nhiều nhất là Coursera.org. Một lớp rất liên quan đến nội dung học thế nào là “Learning How to Learn” do Barbara Oakley dạy. Lớp này nội dung rất hay vì có liên quan đến thần kinh học, giải thích các cơ chế ghi nhớ thông tin (ngắn hạn, dài hạn), cách giải quyết vấn đề, cách suy nghĩ. Mặc dù nghe nội dung lớp học rất bình thường, mình thấy rất có ích và bỏ ra $50 để lấy chứng chỉ, coi như là được học thông tin có ích cho các môn khác. Để lúc nào mình tóm tắt nội dung lớp này sau.
Thế là nhân tháng có ngày Hiến chương Nhà giáo, mình chỉ muốn viết vài dòng về chuyện học, chuyện so sanh đó đây. Nội dung trên này chủ yếu là học trong trường. Nhìn rộng ra, cách học nào tốt lại còn phụ thuộc vào học áp dụng đâu nữa. Không phải cứ khoa học là dễ áp dụng, và không phải áp dụng đại trà là bởi vì nó khoa học, hay có hiệu quả cao.